"Đem đại-nghĩa để thắng hung-tàn. Lấy chí-nhân mà thay cường-bạo." ** Bình Ngô Đại-Cáo **

 

Hồ Trường

 

         Mọi việc đã chuẩn bị phân công rõ ràng, ông Mẹo yên tâm vô giường nằm. Trời hừng hực như có hơi than. Cơn bão chi mà quái ác, ảnh hưởng tới toàn thế giới chớ phải chơi đâu ! Ông vừa quạt mát, vừa suy nghĩ coi còn có gì chưa kịp tính ra. Không còn gì nữa, nhưng mà hơi khó chịu một chút với thằng cha Nẫm. Rõ ràng hồi chiều hắn bắt chẹt mình, đòi hỏi có hơi quá đáng. Mộ chôn hơn hai chục năm rồi chớ có mới mẻ gì! Ông định làm tới, không thèm thuê mướn mất công. Bắt mấy thằng cháu tự đào tự bốc cũng được. Nhưng mà nghĩ tới vong hồn của chú nó chắc sẽ không vui, với lại thằng Thẻo nó gởi tiền về, nó nhờ cậy. Trong thơ có dặn là phải chụp hình rồi gởi qua cho nó. Kẹt cái vụ phim ảnh cho nên phải nghiêm chỉnh, không thể qua loa lấy có . Ông bấm bụng làm vui nhưng mà giận lắm! Giận luôn mấy cha cán bộ trên Tỉnh, giận tới cả mấy tên ở Thị xã với lại cái đám cò ke lục chốt hạ tầng. Miếng đất hồi nào tới giờ chôn cất bà con chòm xóm có hàng có lớp. Mỗi năm giỗ chạp, hương khói ngạt ngào. Người sống tới lui gởi niềm thương nỗi nhớ với người khuất mặt. Nó đã trở thành một mảnh đất thiêng liêng gắn bó đời sống tình cảm của bà con. Vậy mà đùng một cái, có lệnh giải tỏa để dự trù xây dựng một nhà máy chế biến bột sắn mì xuất khẩu...có tầm cỡ quốc tế! Mấy cha này bàn chuyện trên mây chắc! Bốn cái Thôn này gộp lại có bằng nhúm. Phần đất bằng, trũng dành trồng lúa. Đất gò đồi trồng củ sắn mì xen kẽ với bắp cứu đói. Ăn còn không muốn đủ nữa, nói gì tới chuyện xuất khẩu?. Nói thiệt, có Trời thương, mỗi năm bà con chỉ mập mạnh được một mùa. Đó là mùa bắp. Bắp nếp. Thứ này ăn thay gạo được.Tới bữa, cứ làm xổi mấy trái bắp luộc vừa trẩy ngoài rẫy. Khỏi phải tốn thức ăn giặm lại ngọt dẽo thơm ngon. Ăn mạnh miệng chớ không e dè cắn đắn như đong gạo nấu cơm. Được đâu một mùa cho là khoảng hai, ba tháng, rồi lại xẹp lép với ba lát sắn mì độn gạo. Lại thêm tốn thức ăn mặn để đưa cho trôi. Mà cũng khó nuốt lắm!

             Sau này, chắc là thấy dân ăn dữ dằn quá, không có ích lợi chi cho Nhà nước nên trên mới chỉ thị xuống dưới là phải trồng bắp chăn nuôi. Họp hành mấy đêm liền để “đả thông tư tưởng”. Luận điệu cứ cũ mèm, không cần bàn thảo góp ý. Bà con cứ việc trả bài cho thuộc là bắp chăn nuôi có thể...xuất khẩu được. Bắp chăn nuôi có điều kiện phát triển mạnh về mặt chăn nuôi heo, gà, vịt...( còn trâu, bò thì sẵn cỏ thiên nhiên ưu đãi, khỏi phải bàn). Bắp chăn nuôi có ưu điểm vượt trội là dễ trồng, không cần nhiều phân tro mà lại có mức thu hoạch cao ( có nghĩa là gieo đâu mọc đó). Ờ, vậy thì trồng bắp chăn nuôi. Người người thi đua. Nhà nhà thi đua phát động phong trào. Tới mùa thu hoạch chờ Nhà nước cho cán bộ thương nghiệp xuống thu mua với giá tượng trưng thắt cổ. Có mùa, chờ hoài không thấy ma nào tới. Bắp muốn lên mốc xanh, nẩy mầm trở lại. Phơi thêm mấy nắng để rồi cứ đợi, cứ chờ….Thiệt, chưa thấy ở đâu cán bộ Nhà nước xuống mà mừng như thấy người thân ở xa mới về, như ở đây!


             Chưa nói tới chuyện đường sá lưu thông!


             Dọc đường liên tỉnh, rẽ nhánh vô Thôn là con đường đất nắng bụi mưa bùn, ổ voi ổ gà như hố mìn thời chiến. Mỗi tuần có hai chuyến xe hàng thay phiên phục vụ bà con chở muối mắm rau hạt với lại các thứ nông cụ. Toàn là lưỡi cuốc, lưỡi cày, dao, rựa...chớ có máy móc gì đâu! Tội nghiệp chiếc xe già khú, nêm cứng người. Lớp thì hàng hóa trên trần xe cao nghệu. Lớp thì đám thanh niên đeo kín hai bên, đánh đu tòn ten như làm trò xiếc. Tới ổ voi khó vượt, lại xuống xe hè nhau mà đẩy phụ. La hét om sòm. Chuyến xe vô tới thôn Đông, nghỉ xả hơi đâu chừng hai tiếng rồi đón khách trở ra. Vô đông. Ra ít. Có khi lèo tèo mấy mống, ngồi nằm thoải mái


       Mùa mưa thì vô phương, cả tháng mới có chuyến. Bánh xe bọc xích mà cứ sàng qua sàng lại như người say rượu. Đường bùn lầy trơn trợt, đi bộ còn muốn té, huống chi...
         Còn một phương tiện lưu thông nữa là đi đò, nhưng mà bất tiện lắm. Không có mang xách cồng kềnh, chỉ một thân một mình với túi hành trang gọn, nhẹ. Phương tiện này Thôn thăm thân nhân họ hàng giành được khách là mấy bà chửa đẻ, mấy cô phấn son đỏ chót ăn bận hoa hòe lên Thị xã dự đám tiệc, đám cưới. Thỉnh thoảng còn rước những kẻ phương xa ghé về.


       Tới mùa mưa thì cũng vô phương. Nước sông dâng cao chảy xiết, đục ngầu đất phù sa. Chỉ nhìn thôi cũng đủ khiếp vía bạt hồn. Dại dột qua đò mùa này thì đừng có trách sao Hà bá tham ăn...


       Vậy thì nhà máy chế biến bột sắn mì xuất khẩu bao giờ sẽ được thực hiện đây, cho bà con được nhờ cậy chút đỉnh! Ít ra, cũng sẽ có con đường tráng nhựa ra vô thoải mái, đỡ cơ cực hai mùa mưa nắng. Còn cái chuyện xuất khẩu với lại chế biến gì gì đó, thì tính sau. Nghĩ tới đó thôi, ông Mẹo bực mình “xì” một tiếng cho hả. Bà Mẹo, nằm bên cạnh, giật mình hỏi :

       - Bộ nóng ngủ không được sao ?

       Ông Mẹo trở mình, quạt phành phạch :

       - Ngủ nghê gì được. Đang nghĩ tới chuyện ngày mai đây! Không biết phái đoàn mấy ông phim ảnh gì đó có vô đúng...hợp đồng không á?

       - Vô chớ. Nghe thằng Chín nhắn là mấy ông đi Honda vô mà. Mùa khô hạn, đường sá khô rang...

       - Ừa, rồi con heo quay? Bà dặn dò tụi nó ra sao ?

       - Cũng vô luôn. Thằng Ron nằm chờ ngoài Thị xã. Mơi sớm đưa qua đường sông rồi gánh vô.

       - Còn mấy chai rượu, nhang đèn, giấy đốt..

       - Đủ hết rồi, ông lo chi. Ngủ đi mà, mai còn lo chuyện cho chú nó.

       Ông Mẹo trở mình :

       - Ừa, nhưng mà nghĩ còn ức thằng cha Nẫm. Rõ ràng nó bắt chẹt mình mà. Tui tính...

       - Thôi mà, ông. Chuyện trên đầu trên cổ với lại cũng bàn tính hết trơn rồi. Thằng Thẻo nó gởi về là theo nguyện vọng của nó. Phần mình chỉ có chút công lao đóng góp vậy mà. Ngủ đi ông, mai còn lo chuyện...

       Ông Mẹo còn ấm ức trong bụng, nói vớt một câu cho đỡ tức :

       - Hứ, tiền rừng bạc bể chắc...

Mấy con muỗi vo ve đậu ngoài mùng tìm kẽ hở chun vô. Trời đêm im ắng, có tiếng con chim heo kêu “ụt ụt” vang thoảng từ bến sông xa...

 

Tờ mờ sáng đã thấy đông đủ con cháu tụ tập. Ông Mẹo dậy sớm và như thường lệ, rón rén vô phía sau bàn thờ mở chai đế tu một hơi xúc miệng. Từ lúc đợi con cháu tới cho đông đủ, đâu chừng cũng đặng ba hơi rồi. Người hơi nóng, giọng nói có phần sôi nổi.

         Mấy bà tới lui lo nấu xôi chè dưới nhà bếp. Tiếng cười đùa rôm rả như ngày giỗ Họ. Mấy anh con trai thì lo chuẩn bị các thứ theo phần việc của mình. Nghe nói có được bữa ăn sáng cho chắc bụng trước khi ra quân cho nên cũng có ý chờ.

       Một đỗi sau, có tin báo từ mấy đứa con nít quanh Thôn là heo quay đã ghé bến, đang gánh vô. Ông Mẹo đứng ở cửa, mặt mày có vẻ nghiêm trọng. Nằm mơ cũng không dám tưởng tượng nổi có một ngày ông lại được con heo quay trong nhà. Vậy mà, giờ đây có con heo quay gánh vô rồi đó. Nghĩ tới miếng da heo vàng lườm tươm mỡ, ông nuốt nước miếng không kịp. Thứ này mà chơi mấy ngụm “Huê cơ Huê cót” chi đó của thằng Thẻo gởi về chắc là muốn tới...thiên đường luôn!

         Có tiếng con nít la ó inh tai ngoài cổng. Ông Mẹo háo hức ngó ra. Thằng Ron với thằng Thửng đang ì ạch gánh con heo quay vô, phía sau đám con nít bu đen nghẹt. Có thằng Chìa cầm cây roi đi hộ tống, sợ mấy đứa con nít nhào vô làm sảng. Mấy bà đang lui cui dưới bếp cũng túa ra coi... mặt con heo quay. Thiệt y như là đám rước ông Trạng về làng. Con heo được trịnh trọng đặt   trên   cái bàn to bày sẵn giữa   nhà. Ông Mẹo tằng hắng mấy tiếng cho thông...nước miếng, bước tới săm soi chăm chú giữa cái không khí đột nhiên im lặng và những đôi mắt nhìn ngó theo dõi của mọi người. Một đỗi lâu, Ông ngước nhìn lên, gật gù trịnh trọng tuyên bố :

       - Được, không thiếu

       Không thiếu đây là không thiếu bộ đồ lòng. Tính ông ưa đa nghi. Với lại thiếu bộ đồ lòng thì mấy ly rượu chắc là cũng không... đậm đà lắm...

     Vừa lúc đó, có tiếng Honda ngoài cổng. Phái đoàn phim ảnh vô.

       Đám con nít lại quay ngược ra sân, chen nhau háo hức nhìn ngó. Phái đoàn gì đâu! Chỉ có trơ một mống đầu tóc mặt mũi vàng rôm vì bụi đường. Cặp kính đen to chảng cũng đóng một lớp bụi vàng. Chiếc quần bò với cái áo pull cũng vàng mốc. Tay này trông có vẻ như mấy tay phóng viên nhà báo, đeo xách đùm đề. Con mắt láo liêng, chắc là do thói quen nghề nghiệp. Đám con nít vòng trong bu quanh nhìn ngó thả giàn.

       Tiếp tới, lại nghe tiếng reo hò chói lói của đám con nít vòng ngoài. Phái đoàn lo việc cải táng tới.

         Mới nhìn ra, tưởng là đám bán thuốc Sơn đông. Đi đầu là tay Nẫm, tướng tá ốm o như con gà mắc dây thun. Nhưng bữa nay ngó bộ cũng ra vẻ dữ! Bộ quần áo đen viền đỏ. Quần bó xà-cạp. Chân đi bata nội địa. Đầu thắt quanh một giải dây đỏ, hai đầu dây buông thõng xuống vai phất phơ theo gió. Bốn tay đàn em cũng đồng phục y chang. Có điều, tay nào cũng to con lớn xác, khác với...chủ tướng Nẫm. Dân miệt ruộng đồng mà!Ngày thường thì lên rẫy xuống đồng cày thuê cuốc mướn. Có dịp đặc biệt như hôm nay thì tụ lại trước làm việc nghỉa sau kiếm chút đỉnh giắt lưng. Gặp nhà chủ là tay hào phóng thì rượu thịt thỏa thuê một bữa. Gặp nơi khổ chủ túng thiếu thì cũng làm chiếu lệ lấy tiền tự ra quán đãi nhau một chầu. Dạo sau này làm ăn khấm khá vì có lệnh trên giải tỏa khu nghĩa địa Thôn Đông, Thôn Tây và Thôn Trung Nghĩa. Có ruợu thịt đều đều trả bữa. Trúng thêm mối nhà ông Mẹo này, coi như thắng lớn là cái chắc. Bởi nhà có hơi hướm đô la thì phải khác chơ ù!

Do vậy, ông Nẫm đã dặn dò đàn em rất kỹ trước khi ra quân. Phải làm gọn, đẹp để nhà chủ nhả ra mà không tiếc. Đồng tiền thì nó liền khúc ruột. Nghiệt cái là thằng chả gặp đâu gây đó. Của đau con xót là lẽ thường tình, nhưng cũng vừa phải thôi chớ!

       Đám con nít vòng ngoài cũng nhập vô sân nhình ngó cho rõ. Chen lấn, la hét om sòm như họp chợ. Ông Mẹo đứng trên thềm nhà, khẽ liếc vô con heo quay rồi nhìn đám người vừa mới tới. Trong bụng thì thấy ưng, nhưng ngoài mặt làm ra vẻ bất cần. Muốn gây rồi!

       - Cha, bữa nay ngó anh Bốn khác lạ.

       Rồi ông day mặt qua phía khác, nói trỏng :

       - Cũng đúng thôi! Cho đáng đồng tiền bát gạo mà.

       Ông Nẫm nghe câu nói đó, đứng sượng trân. Ông dằn bụng, cố nở một nụ cười theo đúng bài bản :

       - Dà, thì bát sành bát kiểu khác nhau. Với lại, lâu ông anh nhờ tới, phải khác người ta chút chớ.

       Ông Mẹo trong lòng còn bực bội, nói mát :

       - Ủa, vậy là tui khác người ta lắm hả ?

       Tức thì, ông Nẫm trả miếng lại liền :

       - Khác nhiều chớ. Ông Trời còn có khi mưa khi nắng. Con người ta cũng có lúc này lúc nọ. Bây giờ anh Hai đã khác xưa lắm rồi. Có điều...

       Ông cố tình bỏ lửng câu nói. Tình hình trở nên gay go. Ông Mẹo mặt mày đỏ tía sửa soạn đốp chát. May là bà vợ đứng bên cạnh theo dõi từ nãy đến giờ, cản lại:

       - Thôi ông, tới giờ rồi.Thầy Sáu đã định giờ tốt, trễ không nên.

       Ông Mẹo xẹp lốp “xì” một tiếng, gỡ gạc một câu cho đỡ tức :

       - Lại thêm ông Thầy nữa! Sao mà...tiền rừng bạc bể chắc.

       Rồi ông quay ngoắt vô nhà, nôn nả tới sau bàn thờ làm một ngụm.

 

Nắng lên quá lũy tre. Đám đàn bà lăng xăng chạy tới chạy lui lo trầu nước cho số người đi dự đám cải táng chú Tư Tỵ, em ông Hai Mẹo. Con nít ồn ào xô đẩy, giành giựt uống ké nước chanh đường để sẵn trong cái thùng nấu bánh tét. Rõ ràng tụi nó uống lấy no làm bà Mẹo cứ chạy lui chạy tới, cản không kịp. Anh thợ chụp hình đứng lên ngồi xuống nháy lia lịa. Có phim là có tiền mà. Giao hẹn trước rồi! Mấy bà, mấy cô cố tình đi qua đi lại trước ống kính làm dáng làm điệu và cười rất tươi. Đi lo chuyện cải táng mà làm như đi dự đám cưới, đám tiệc không bằng !

         Ông Nẫm thì đang tả xung hữu đột hò hét om sòm. Mấy tay đàn em hiểu ý, đào xúc hối hả. Anh nào anh nấy mồ hôi nhễ nhại, ở trần trùng trục chẳng còn nghiêm chỉnh áo mũ gì nữa. Đất dập xuống,mặc dù đã lâu nhưng vẫn còn xốp đâu có chắc thịt như đất mới đào. Màu mè chút đỉnh mà. Kiểu dơ cao đánh khẽ. Nhưng mà trời nóng quá lại thêm tiếng ồn ào như vỡ chợ, khích động mấy cánh tay gân guốc miệt vườn nhịp nhàng như cái máy.

       Chỉ có con heo quay vàng lườm là im lặng, buồn hiu bên mấy lề giấy vàng bạc và mịt mù hương khói.

       Cả ông Hai Mẹo nữa! Ông ngồi xếp bằng trên gò cao, có thằng Thửng đứng bên cầm dù che nắng. Mặt mày đã thấy đỏ. Chai rượu Johny Walker để trước mặt với hai cái ly nhỏ sóng sánh chất rượu thiệt hấp dẫn. Một ly cho ông và một ly dành cho chú Tư nó. Lát nữa đây thôi, chú lại nhìn thấy dương gian thì mời chú một ly gọi là phút giây tương ngộ. Âm dương cách trở, dịp trùng phùng cũng là dịp anh em tâm sự. Ông khẽ thở dài, với tay nâng ly rượu làm ngọt một hơi. Mùi rượu thơm lừng, vị nồng cay tê đầu lưỡi, nóng ran xuống từng khúc ruột. Ông lại rót tiếp một ly đầy, suy nghĩ mông lung về cuộc tử sinh, cảnh đời dâu bể. Mắt ông cay cay. Một cảm giác xốn xang, ray rức lôi kéo ông về lại những tháng ngày xưa cũ...

       Hai anh em ông lưu lạc phương trời đến mảnh đất này theo đám đào vàng. Láng trại đầu tiên được dựng lên sơ sài ở thượng nguồn Sông Lớn. Hàng ngày đào sâu xuống lòng đất lấy lớp sái gồm đá cát trộn lẫn nhau rồi đem ra sông đãi gạn lấy vàng. Chỉ là vàng cám, nhỏ li ti. Cả một thùng sái lớn chỉ đãi gạn đâu được chừng vài hạt nhỏ như đầu tăm. Công việc thiệt là cực khổ và đầy dẫy sự hiểm nguy. Lớp thì sợ sụp hầm. Lớp thì lo bệnh sốt rét.

Nhưng mà đói quá thì đầu gối phải bò. Hết đám người này chán nản bỏ đi, đám người khác lại hăng hái tìm tới. Cả một khoảng dài ven sông lở lói do đào bới, dập vùi lớp này qua lớp khác. Rừng măng le đã có lối mòn ngang dọc. Con sông cũng có bến phà đưa người qua kẻ lại. Quán hàng dựng lên để trao đổi thực phẩm. Để đón người mới đến và tiễn người cũ ra đi. Chú Tư Tỵ, em ông, là chủ phà còn ông là chủ quán. Hai anh em quyết bám trụ nơi mảnh đất này, đương đầu với đám người tứ xứ. Thôi thì đủ hạng người. Kẻ thì hiền hòa chất phác tìm tới đây vì chén cơm manh áo thật lòng. Người thì mặt xanh nanh vàng thích lấy chuyện ngang ngược mà đối xử với nhau. Ông trở thành con tắc kè. Ở trên cây thì trổ màu xanh, xuống đất thì ra màu nâu sậm. Khi cương lúc nhu, thoái bộ nhịp nhàng. Cuộc tranh sống đã dạy cho ông biết lúc nào cần gian dối lọc lừa, lúc nào cần thật thà chất phác để luồn lách qua những hiểm nguy luôn chực chờ. Thiệt đúng là vàng máu pha chung chớ đâu có dễ gì!

       Riết rồi ông cũng không còn nhận ra ông nữa! Nhiều lúc cứ tự hỏi mình có phải là tay Hai Mẹo đó không và em ông, có phải là chú Tư Tỵ? Hai con người cùng khổ,bỏ làng bỏ xóm để tha phương cầu thực! Thiệt tình chỉ muốn kiếm miếng ăn nuôi thân chớ đâu có muốn vì miếng ăn mà trở lòng đổi dạ ra nông nổi là con tắc kè xanh-đỏ-tím-vàng!

       Cũng may là cơn sốt vàng chỉ rộ lên một khoảng thời gian rồi hạ xuống. Lạnh tanh. Chỉ tội nghiệp khúc sông lở lói những hố hầm như bị băm vằm trăm mảnh. Từng đám người theo nhau lục tục ra đi chỉ còn lại một ít bám trụ, kiếm sống. Trời đất bao la, đi cho cùng kiệt thì cũng vậy thôi. Vàng đã phụ người, nhưng Đất, chắc là không. Hai anh em ông cùng với một số người ở lại phá rừng làm rẫy. Đất gò cao trồng bắp, đậu. Đất trũng nước gieo mạ, cấy lúa. Mùa đầu thu hoạch, nhìn nhau cười mừng mà rơi nước mắt. Mảnh đất tang thương đã thành nhịp sống mới. Cuộc đời nới rộng tầm tay đón người cùng khổ tha phương. Nhà cửa dựng lên. Thôn xóm hình thành. Tiếng khóc tiếng cười của đám con nít làm sinh động, khởi sắc nơi chốn xưa vốn thâm u khuất lấp.Ông Mẹo lại khẽ thở dài nghĩ tới số người bám trụ ngày xưa đó, giờ đây còn có bao nhiêu! Ông Chín Rựa bị cọp vồ mất xác ở thượng nguồn. Cô Ba Sang, theo đám người ngậm-ngải-tìm-trầm sau mùa bắp rẫy thứ hai, rồi biệt tăm biệt tích. Cô Năm Thiệt, giờ là vợ ông. Chú Tư thợ mộc, mang căn bệnh tê liệt nửa người từ khi bị cây đè lúc lên rừng xẻ gỗ dựng nhà. Bây giờ chú nằm một chỗ, hát hò suốt ngày cho nguôi khuây. Chú Tư Tỵ, em ông, đã nằm xuống sau một cơn sốt xuất huyết. Vợ chú bỏ đi liền sau đó, để lại thằng Thẻo. Ông buồn bực chuyện này lắm, trách Ông Trời sao nỡ để chú lâm vòng khổ nạn. Chú hiền như cục đất, ai nói chi cũng cứ nhe răng cười. Rồi còn ai nữa? À, ông nhớ tới một người nữa. Con người mau mắn, miệng nói tay làm. Đã từng một thời chia bùi xẻ ngọt, dầm mưa đội nắng cùng ông trên mảnh đất hoang vu chưa có dấu chân người. Trong gian nan khổ cực anh em vẫn quyết bám lấy nhau cho tới ngày hôm nay. Bữa đói cùng chia, bữa no cùng san sẻ. Thiệt như tình anh em thủ túc chớ phải chơi! Qua bao cảnh đời thay đổi vẫn giữ trọn sắt son tình nghĩa. Chỉ từ khi bắt được hơi tiền ngoại, ông tự thấy trong lòng lần hồi có sự đổi thay khác lạ. Mỗi ngày một chút, lâu rồi thành cơn bệnh trầm kha, khó bề chữa chạy. Cũng tại vì đói rách cùng khổ quá mà sinh hôn mê lú lẩn đó chăng! Đúng là bần cùng sinh đạo tặc. con tắc kè xanh-đỏ-tím-vàng năm nào giờ đây lại hóa thân trong con người ông. Cái gì mà chén sành với lại chén kiểu! Chén mẻ hết trơn chú Bốn ơi! Đời tụi mình vớt lên từ cùng đinh khổ ải chớ có cao sang gì. Ví von kiểu này thiệt là hết thuốc chữa cho Hai Mẹo này quá. Tự nhiên ông thấy ngượng ngùng. Cầm ly rượu mà tay run. Ly rượu gạo của ngày nào chén chú chén anh ngọt ngào tình nghĩa. Còn ly rượu bây giờ! Đã có một khoảng cách ngăn rồi...

              Ông ngửa cổ, dốc ly rượu, nưốt mạnh cho nỗi ngượng ngùng xấu hổ trôi tuột xuống cái lòng dạ đen bạc của ông. Chất rượu cay nồng như xé ruột gây cho ông một cảm giác xốn xang bứt rức. Ông day qua nói với thằng Thửng :

       - Thửng, cháu xuống nhắn chú Bốn là bác có chuyện muốn bàn.

Thằng Thửng dạ một tiếng lớn, bỏ chiếc dù che xuống, chạy về phía đám người đang bu đen phía dưới. Lát sau, thấy ông Nẫm đi lên, mồ hôi nhễ nhại. Chưa tới nơi đã nghe tiếng :

       - Sắp “tới” rồi, anh Hai. Cha, bữa nay trời nóng dữ!

       Ông Mẹo không nói gì, rót đầy ly rượu, đưa ngang trước mặt ông Nẫm:

       - Anh Bốn làm ngọt ly này đi, cho ấm bụng.

       Ông Nẫm ngạc nhiên, sững người giây lát. Đầu óc ông chạy loạn một lúc rồi dừng lại ở ly rượu sóng sánh màu vàng hấp dẫn. Thái độ thân thiện bất ngờ của ông Mẹo làm cho ông cảm thấy có điều gì bất ổn. Như con nhím xù lông sẵn sàng ứng phó, ông thầm nghĩ : “ Thằng cha này, định giở trò gì đây?”. Ông không thèm nhìn ly rượu, nói mát :

         - Bụng dạ gì anh. Ba cái rượu Tây, rượu Mỹ xót bụng thì có, chớ ấm nỗi gì!

       Ông Mẹo giật mình, ly rượu tràn sóng sánh. Phải như lúc khác, ông “chơi” tới luôn. Nhưng lúc này đây lòng ông đang ngổn ngang tâm sự. Ông khẽ thở dài, dấu dịu:

       - Bụng dạ thuở giờ, xót đó ấm đó. Lát nữa đây, chú Tư Tỵ lại về cùng ngọt ly với anh em mình, cho bỏ nhớ những ngày nào....

       Mắt ông nhìn xa xăm. Ông Bốn Nẫm lại nhìn xa hơn nữa! Ở tận những tháng, năm bương chải ngày xưa khi chú Tư Tỵ tàn hơi kiệt sức, thở hắt từng hồi rồi lịm dần trong vòng tay ông. Sống mũi ông cay cay, lòng ông nôn nao một cảm giác khó tả. Ông chợt hiểu nỗi lòng của ông Hai Mẹo trong lúc này, nên đỡ lấy ly rượu :

       - Vậy thì tui xin cạn ngọt cùng anh. Lát nữa đây, chú Tỵ...

       Ông ngửa cổ, dốc cạn. Chất rượu như con nước vỡ bờ, tràn lũ dội ngược vào cuống họng rồi trôi tuột xuống, nóng ran từng khúc ruột. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ tới giờ đây là lần đầu tiên ông được uống thứ rượu la lùng. Thơm nức mũi,cay nồng xé ruột mà công nhận là ngon. Không kềm chế được, ông “khà” lên một tiếng thiệt là sảng khoái. Ông Mẹo gật gù, tự rót thêm một ly cho mình, rót tràn thêm ly cho ông Nẫm. Hai cái ly cụng nhau nghe cái “cốp”, rượu sánh ra ngoài hết nửa. Phần còn lại chui ngọt vô hai cái miệng khát rượu. Lại rót thêm.

           Nắng dọi rát đỉnh đầu. Đám người đi dự phần lớn tản mác tìm bóng râm ngồi tránh nắng. Anh thợ chụp hình đang lân la tán tỉnh mấy cô đang ngồi chụm nhau dưới gốc cây Sao. Cái miệng dẽo kẹo, con mắt láo liêng không lương thiện chút nào hết. Hiện trường chỉ còn lại mấy đứa con nít hiếu kỳ và bà Mẹo ngồi chồm hổm lom lom nhìn xuống lỗ huyệt. Mấy tay đàn em của ông Nẫm đã bắt đầu thấm mệt. Nhớ lời sư phụ dặn dò nên cố tình kéo rê thời giờ chút đỉnh cho đáng đồng tiền bát gạo của người ta. Mấy cái lưng trần đẫm ướt mồ hôi, dính đất bụi tèm nhẹp.

         Ở trên gò, cuộc nhậu đang tới hồi sôi nổi. Ông Mẹo, da mặt đã trở xanh chàm. Ông Bốn Nẫm thì đỏ bầm như con tôm luộc. Cả hai ông ngồi bệt xuống đám cỏ khô, gật lên gật xuống thấy như là muốn ngả ngửa. Giọng ông Mẹo nhừa nhựa:

       - Cái hồi mới tới nơi này đó, chú còn nhớ không? Vàng cục vàng hòn gì đâu, nếu không có cái rẫy bắp mùa đầu đó thì có mà cạp đất cạp đá...

       Ông Nẫm gật gù ra chiều hiểu ý, giọng ông lè nhè :

       - Dà, đất ở đây đá nhiều lắm ông anh ơi! Mấy thằng nhỏ “cạp” hoài mà chưa thấy tới. Nhưng mà phải tới chớ. Nhứt định tới mà, ông anh...

       Ông Mẹo vỗ đùi cười sảng khoái, nâng ly rượu đã cạn queo, đưa qua đưa lại trước mặt ông Nẫm :

       - Phải đa. Nè, tới luôn bác tài...

       Ông ngửa cổ dốc ly rượu, sau đó, phun gió phèo phèo :

       - Mẹ ơi, rượu gì lạt thách.

     Rồi ông quơ tay tìm cái chai. Hai con mắt nhướn muốn hết nổi :

       - Nói tới đâu rồi, thằng em. À, tới cái hồi tao không chịu làm con tắc kè. Con tắc kè xanh đỏ tím vàng đó. Đời nào tao chịu.

       Ông Nẫm lại gật đầu, hưởng ứng nhiệt tình :

         - Tui cũng chịu cái loại rượu tắc kè này lắm nghen. Uống có hậu với lại bổ nữa. Bổ cái vụ đó..đó, anh Hai.

       Rồi ông bật cười khoái chí. Ông Hai Mẹo, tức thì, choàng tay qua vai ông Bốn Nẫm vỗ vỗ mấy cái, cười phụ họa

         - Ừa, bỏ qua, bỏ qua hết. Thiệt là tay hảo hớn...

         Vừa lúc đó, có tiếng ồn ào phía dưới. Mọi người túa lại bu đen trên lỗ huyệt. Thấy bà Mẹo bương bả chạy lên, quần áo xốc xếch, mặt mày nghiêm trọng. Tới bên ông Hai Mẹo, bà nói không kịp thở :

       - Ông ơi! Ông ơi! Tới rồi, tới rồi. Chú Tư Tỵ...

       Ông Bốn Nẫm giật nẩy người mất đà ngã ngửa ra phía sau. Ông Hai Mẹo thì cố nhướng cặp mắt ngó bà vợ đang đứng thở dồn dập :

       - Bà nói cái gì tới? Mà làm gì tới đây?

       Bà Mẹo cố nín hơi, nói gấp :

       -Thì chú Tư Tỵ đó. “Tới” rồi...

       Ông Hai Mẹo “hừ” một tiếng, lè nhè :

       - Chú Tư Tỵ hả ?. Cái thằng mắc dịch, đi đâu nãy giờ mới mò tới?. Bà làm ơn xuống nhắn nó lên đây, tui dạy việc.

         Bà Hai Mẹo chỉ kịp kêu lên mấy tiếng “Úy Trời ơi!” rồi đứng sững. Mắt bà mở thao láo, miệng há hốc. Miếng thuốc trầu dính tòn ten bên mép, đung đưa qua lại theo nhịp thở giống cái quả lắc đồng hồ. Ông Mẹo nhìn thấy cảnh đó tự nhiên nổi “xung thiên”, nạt lớn :

       - Bà còn chưa chịu đi?

       Bà vẫn đứng sững như trời trồng. Trong khi đó ông Bốn Nẫm cố gắng hết sức lồm cồm ngồi dậy, miệng lắp bắp :

       - Đi chớ. Đi chớ. Tui đi liền bây giờ nè...

       Ông chống tay lấy sức đứng lên, người sàng qua đảo lại muốn bật ngửa. Cố bậm môi trợn mắt, ông đứng được nhưng hai chân cứ đá tới đá lui. Hai tay ông quơ qua quơ lại. Con mắt đỏ kè nhấp nháy liên hồi. Mặt mày ngơ ngác, ông phều phào :

         - Ủa, mà đi đâu vậy hè !...

Trần Huy Sao